Sử dụng máy giặt bấy lâu nay bạn đã biết đến việc phải vệ sinh cho thiết bị chưa? Không chỉ vệ sinh cho lồng giặt mà bạn còn phải làm sạch luôn cho cả bộ lọc cặn của máy. Nếu bạn chưa biết thì hãy tham khảo ngay bài viết hướng dẫn vệ sinh bộ lọc cặn cho máy giặt tại nhà bên dưới nhé!
Hướng dẫn vệ sinh bộ lọc cặn cho máy giặt tại nhà
1. Tác hại của việc không vệ sinh bộ lọc cặn cho máy giặt định kỳ
Bộ lọc cặn cho máy giặt là nơi giữ lại các chất bẩn, xơ vải sinh ra trong quá trình làm sạch quần áo. Khối lượng quần áo càng lớn, chất bẩn tích tụ ở bộ phận này sẽ càng nhiều và nhanh chóng đầy hơn. Nếu không vệ sinh bộ lọc cặn định kỳ, sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng như:
– Tắc nghẽn ống xả nước: Sau quá trình sử dụng, các tạp chất được giữ lại ở bộ lọc sẽ ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng bít tắc đường lưu thông của nước. Do đó khi máy giặt không xả nước bạn nên kiểm tra ngay bộ lọc cặn này.
– Sản sinh ra nấm mốc, vi khuẩn: Môi trường bên trong máy giặt vốn thường xuyên ẩm ướt. Khi đó các chất bẩn tích tụ lâu ngày cộng với độ ẩm cao sẽ tạo ra điều kiện lý tưởng để vi khuẩn và các loài nấm mốc sinh sôi. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên tình trạng kích ứng và các bệnh lý về da.
– Quần áo không thơm: Các chất bẩn khi không được loại bỏ khỏi bộ lọc lâu ngày sẽ tràn ra ngoài và bám trở lại quần áo. Như vậy dù cho bạn có dùng bao nhiêu chất giặt tẩy thì quần áo vẫn xuất hiện mùi ẩm mốc khá khó chịu.
Sau quá trình sử dụng bộ lọc cặn sẽ bị tắc nghẽn nếu không được vệ sinh
2. Hướng dẫn vệ sinh bộ lọc cặn cho máy giặt tại nhà
Bước 1: Ngắt kết nối nguồn điện cho máy giặt
Để đảm bảo an toàn cho bạn trong quá trình vệ sinh bộ lọc cặn, bạn phải ngắt kết nối nguồn điện cho máy giặt trước khi thực hiện. Sau khi rút điện bạn nên quấn dây lại gọn gàng và đặt ở nơi khô ráo để tránh gặp nguy hiểm khi kết nối điện trở lại. Đồng thời nếu trong lồng giặt còn quần áo bạn cũng cần lấy hết ra ngoài để tiện cho việc vệ sinh.
Ngắt kết nối nguồn điện cho máy giặt để đảm bảo an toàn
Bước 2: Tìm đến vị trí của bộ lọc
Đối với dòng máy giặt cửa trên
Thông thường bộ lọc cặn của máy giặt cửa trên sẽ được làm theo dạng túi lưới hoặc khay nhựa hình chữ nhật dọc. Bộ phận này được đặt trực tiếp vào bên trong lồng giặt để giữ lại các chất bẩn sinh ra trong quá trình làm sạch quần áo. Vậy nên bạn chỉ việc mở cửa máy giặt nhìn vào thành của lồng giặt sẽ thấy ngay bộ lọc cặn.
Bộ lọc cặn máy giặt cửa trên
Đối với dòng máy giặt cửa ngang
Với máy giặt cửa ngang (cửa trước) bộ lọc sẽ được bố trí nằm ở góc phía dưới của máy giặt. Vị trí đặt bộ lọc ở bên trái hay bên phải sẽ tùy thuộc vào thiết kế của từng hãng. Để đảm bảo an toàn cho người dùng thì phần nắp đậy bên ngoài bộ lọc được làm khá cứng. Do đó để mở ra bạn có thể sử dụng tua vít để cạy nhẹ ngay phần chốt là được.
Lưu ý khi mở nắp bộ lọc ra, có thể một lượng nước bẩn còn sót lại sẽ tràn ra ngoài. Vì thế để tránh làm bẩn xung quanh bạn nên chuẩn bị trước giẻ lau và vật dụng chứa nước.
Bộ lọc cặn máy giặt cửa ngang
Bước 3: Làm sạch bộ lọc cặn
Sau khi tháo rời bộ lọc ra khỏi máy giặt bạn cần dùng khăn ẩm hoặc bàn chải nhỏ để loại bỏ hết tất cả chất cặn bẩn, xơ vải tích tụ. Sau đó bạn nên chuẩn bị một chậu nước nóng để ngâm bộ lọc. Điều này sẽ giúp cho các chất bẩn cứng đầu còn bám lại dễ dàng bị loại bỏ. Cuối cùng bạn xả sạch bộ lọc lại rồi để cho khô ráo.
Ngâm bộ lọc vào nước nóng để loại bỏ các vết bẩn cứng đầu dễ dàng hơn
Trong lúc đó, bạn cần sử dụng khăn ẩm, mềm để làm sạch các chất bẩn bám lại trong ngăn chứa bộ lọc. Điều này sẽ đảm bảo các vị trí trên bộ lọc cặn đều được làm sạch hiệu quả.
Bước 4: Lắp bộ lọc cặn trở về vị trí cũ
Khi bộ lọc cặn đã hoàn toàn khô ráo bạn có thể lắp trở lại vị trí cũ. Bạn cần lắp bộ lọc vào đúng khớp để nó làm tốt vai trò của mình. Để kiểm tra chắc chắn bạn có thể thực hiện một chu trình giặt ngắn. Nếu thấy nước rò rỉ ra ngoài có nghĩa là bộ lọc chưa được lắp đúng và cần tháo ra lắp lại.
>>> Xem thêm: Cách vệ sinh máy giặt cửa trước, cửa ngang
3. Bao lâu thì nên vệ sinh bộ lọc cặn cho máy giặt?
Để đảm bảo hiệu quả hoạt động của máy giặt, bạn nên vệ sinh bộ lọc cặn ít nhất 3 tháng/lần. Tuy nhiên nếu tần suất sử dụng máy giặt của gia đình bạn cao thì nên vệ sinh bộ lọc cặn 1 tháng/lần.
Hy vọng những thông tin hướng dẫn vệ sinh bộ lọc cặn cho máy giặt tại nhà bên trên sẽ giúp ít cho bạn. Hãy nhớ vệ sinh cho máy giặt và cả bộ lọc cặn thường xuyên để đảm bảo hiệu quả và độ bền cho thiết bị bạn nhé!
Tham khảo một số mẫu máy giặt bán chạy tại Siêu Thị Điện Máy – Điện Lạnh Song Anh:
Tổng Hợp
Discussion about this post