Bút thử TDS thực tế chỉ đo được các chất rắn hòa tan có trong nước chứ không đo được chất lượng nước.
Gần đây, bút thử nước TDS được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử với thông điệp: “Bút thử nước sạch hiệu quả cao” hay “kiểm tra chính xác chất lượng nước”. Giá của sản phẩm này giao động từ 60.000 đến vài trăm nghìn đồng. Thậm chí, một số công ty bán máy lọc nước còn tặng kèm thiết bị này để kiểm tra chất lược nước qua máy lọc.
Bút thử TDS được quảng cáo “có độ chuẩn xác cao nhất hiện nay với sai số chỉ 2%”. Ảnh: . |
TDS (Total Dissolved Solids) là thuật ngữ mô tả “tổng chất rắn hòa tan” trong một đơn vị thể tích nước (biểu thị bằng đơn vị ppm). Bút thử TDS dùng để đo nồng độ khoáng chất, muối, kim loại dưới dạng ion nói chung. Nguyên lý hoạt động của sản phẩm là dựa trên tính dẫn điện của nước để phản ánh gián tiếp giá trị TDS.
Cách sử dụng bút TDS rất đơn giản. Người dùng chỉ cần mở nắp, nhúng vào nước rồi nhấn “Hold” để đọc kết quả. Tuy nhiên, một số khoáng chất có lợi như canxi hay magiê vẫn khiến kết quả đo bằng bút thử TDS tăng đột biến. Trong khi tổ chức WHO quy định tiêu chuẩn TDS của nước sinh hoạt không được vượt quá 500 ppm.
Theo kỹ sư hóa học Nguyễn Thanh Nhàn, bút thử nước TDS là một thiết bị kiểm tra các chất rắn hòa tan có trong nước nhưng không thể hiện được chất lượng nước này thế nào, có độc hay không. Vì thế, người sử dụng cần xác định chính xác tính chất nguồn nước mình đang sử dụng.
“Mọi người có thể mang mẫu nước đến các trung tâm, cơ sở thí nghiệm uy tín để kiểm tra. Dựa vào kết quả tính chất nguồn nước để lựa chọn phương án xử lý thích hợp. Người tiêu dùng khi mua các thiết bị dạng này cần tìm hiểu rõ về tác dụng cũng như khả năng hoạt động đối với các chỉ số nước có hiệu quả không”, bà Nhàn khuyến cáo.
Thực tế, trong hướng dẫn sử dụng của sản phẩm, bút TDS không có khả năng phát hiện những thành tố gây ô nhiễm, bao gồm dầu động cơ, xăng, thuốc trừ sâu… do chúng không có tính chất dẫn điện. Thang đo trên bút thử TDS (thang ppm) cũng không đủ nhạy để đo nồng độ các chất độc hại (thang ppb), như chì, asen hay crom-6 (hexavalent chromium).
Theo một kỹ thuật viên tại công ty cung cấp thiết bị kiểm định chuyên dụng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), để xác định nước an toàn cần dựa vào nhiều chỉ tiêu, như mức TDS, độ pH, hàm lượng clo dư, asen dư… “Nếu muốn biết chính xác nước sạch hay bẩn, người dùng cần đem mẫu nước tới các trung tâm xét nghiệm uy tín”, anh cho biết.
Việt Anh
Theo Vnexpress
Discussion about this post