Máy lọc không khí nội địa Nhật Bản được chọn mua vì giá rẻ, nhiều tính năng nhưng thực tế lại khó sử dụng, khó sửa chữa nếu hỏng hóc.
Tương tự các loại hàng điện tử Nhật “bãi” khác, máy lọc không khí từ lâu đã được quảng cáo rằng “bền và nhiều tính năng”, đồng thời giá bán rẻ. Điều này khiến không ít người tìm mua, dù không rõ thực sự về chất lượng.
Một số mẫu máy lọc không khí Nhật “bãi”. Ảnh: . |
Tại một cửa hàng bán đồ Nhật “bãi” nằm cạnh chợ Nhật Tảo ở quận 10 (TP HCM), người bán hàng tên Tiến cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, lượng khách mua máy lọc không khí tại cửa hàng anh tăng mạnh. “Nếu đầu năm chỉ bán được 5 – 7 máy mỗi ngày thì nay cửa hàng bán được 15 – 20 máy, có ngày còn nhiều hơn”, anh Tiến tiết lộ. “Phân khúc bán chạy nhất là khoảng 2 đến 6 triệu đồng”.
Anh Quốc Việt, một người kinh doanh online đồ công nghệ Nhật Bản cũ, cũng cho biết máy lọc không khí hàng nội địa Nhật Bản tại TP HCM đang “cháy hàng”, “về đến đâu hết đến đó”. Bên cạnh đó, các bài viết mà anh đăng trên mạng xã hội về sản phẩm và cách sử dụng loại máy này cũng cao bất thường.
Máy lọc không khí Nhật cũ tại Việt Nam khá đa dạng về thương hiệu, như Sharp, Daikin, Panasonic, Hitachi, Toshiba, Mitsubishi… Chúng được phân loại tùy vào độ cũ hay mới, nhiều hay ít tính năng, diện tích phục vụ. Các loại máy này ngoài chức năng về lọc sạch không khí thông thường, còn có chế độ bù ẩm không khí, tăng ion, xử lý mùi hôi, có inverter.
Theo anh Việt, người dùng tìm đến máy lọc không khí Nhật “bãi” là do chúng được quảng cáo có chức năng tiết kiệm điện và giá rẻ hơn 2 – 3 lần so với hàng chính hãng. Chẳng hạn, mẫu Sharp KC-Y30-W giá chưa tới 1 triệu đồng nhưng có tính năng bù ẩm, hay model Daikin TCK55M giá 2,5 triệu đồng có cả bù ẩm và ion, trong khi các mẫu chính hãng ít tính năng, diện tích phủ thấp nhưng có giá không dưới 2 triệu đồng. Với khoảng giá 5 – 10 triệu đồng, người mua có thể sở hữu thiết bị phục vụ diện tích lớn và nhiều công năng hơn, giá cũng không quá đắt, như Panasonic Inverter F-VXG70 3,5 triệu đồng có thể bù ẩm và loại bỏ vi khuẩn, lọc ở diện tích hơn 60 mét vuông, trong khi Sharp FP-J80EV-H với công năng tương tự đang có giá chính hãng 8 triệu đồng.
Một số cửa hàng dán chữ tiếng Việt lên máy lọc không khí nhằm giúp khách dễ thao tác. Ảnh: . |
Theo anh Thế Anh, một người khá am hiểu về hàng điện tử Nhật “bãi”, loại mặt hàng này có ưu điểm về giá bán, chất lượng, công dụng, song cũng có không ít nguy cơ và phiền phức. Điều đầu tiên mà người dùng phải đối mặt với máy lọc không khí hàng Nhật là ngôn ngữ và nguồn điện. “Các chi tiết trên máy đều toàn tiếng Nhật nên phải mất thời gian làm quen. Bên cạnh đó, do Nhật Bản sử dụng nguồn điện 110v nên buộc phải mua thêm bộ chuyển đổi”, anh Anh nói.
Điểm cần chú ý quan trọng nhất là về chất lượng. “Do máy đã qua sử dụng, thậm chí đã được sửa chữa, lắp ráp lại, lại không có giấy tờ chứng minh xuất xứ rõ ràng nên chất lượng không được kiểm chứng. Khách mua buộc phải tin tưởng vào uy tín nơi bán và chế độ bảo hành ở đó”, anh giải thích.
Không những thế, người mua máy lọc Nhật cũ còn đối mặt với hàng loạt nguy cơ khác khi sử dụng, như hiệu suất thấp hơn so với hàng chính hãng (do máy được thiết kế tùy theo khí hậu từng quốc gia), tuổi thọ màng lọc thấp (khoảng vài tháng), linh kiện khó thay thế do không được sản xuất tại Việt Nam…
“Người dùng khi mua hàng nên chọn những nơi uy tín, chính sách bảo hành tốt. Khi mua, nên chọn các thương hiệu nổi tiếng. Tốt nhất, nên tham khảo mẫu máy đó ở nhà, hoặc nhờ người am hiểu về máy lọc không khí Nhật ‘bãi’ đi cùng”, anh Thế Anh chia sẻ.
Bảo Lâm
Theo Vnexpress
Discussion about this post